Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 là thách thức đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định vai trò của mình trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995 tới nay, Việt Nam luôn coi ASEAN là một trong những ưu tiên đối ngoại hàng đầu. Trong gần 20 năm qua, Việt Nam đã luôn nỗ lực đóng góp vào các công việc chung của ASEAN với tư cách là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm. Không chỉ đề xuất và thực hiện các sáng kiến của ASEAN, Việt Nam còn hết sức coi trọng việc nâng cao nhận thức, hiểu biết của các cơ quan và người dân trong nước về Hiệp hội, và nhất là về Cộng đồng ASEAN.
Với việc chuẩn bị đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, Việt Nam đang tích cực công tác chuẩn bị, đặc biệt là tham khảo ý kiến giới chuyên gia, nghiên cứu, giới hoạch định chính sách về các sáng kiến thúc đẩy bản sắc và vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực. Hoạt động này còn giúp nâng cao nhận thức của người dân Việt Nam, tạo đồng thuận xã hội trong nước để thúc đẩy những nỗ lực mới về xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Việc tổ chức những diễn đàn kênh 2 như Hội thảo với chủ đề “Cộng đồng ASEAN: Bản sắc và Vai trò trung tâm” sáng 19/3 cũng có ý nghĩa quan trọng, nhằm cung cấp những kinh nghiệm và sáng kiến để Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch.
Thách thức của ASEAN và năm chủ tịch 2020 của Việt Nam
Tại Hội thảo, Nguyên Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng, mục tiêu của ASEAN trong việc thực hiện tầm nhìn 2025 là xây dựng một Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột: Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa–Xã hội; kết nối với Thế giới và thúc đẩy hội nhập toàn cầu. ASEAN hiện đã trở thành lực lượng trung tâm, thu hút tất cả các lực lượng chính trị quân sự kinh tế trong các cơ chế khu vực của ASEAN.
Tuy nhiên ASEAN vẫn đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự can thiệp của các nước lớn vào khu vực, những vấn đề riêng của từng nước thành viên khiến ASEAN đôi khi chưa đạt được sự đồng thuận trong một số vấn đề và những mối quan tâm chung bị hạn chế.
“Trong bối cảnh hiện nay, để giữ vững vai trò trung tâm và là một cơ chế phù hợp không chỉ cho khu vực mà còn trên toàn cầu, ASEAN cần phát triển sâu hơn nữa mối quan hệ hợp tác về an ninh, chính trị bằng cách xây dựng hệ thống các nguyên tắc chỉ dẫn cho những phản ứng chung của ASEAN cho những diễn biến trên Thế giới. Ngoài ra, cần tiếp tục cập nhật Hiến chương ASEAN để cơ chế ra quyết định của ASEAN trở nên linh hoạt hơn, thích hợp hơn và đạt được sự đồng thuận cao trong khối”, ông Lê Lương Minh nhấn mạnh.
Nguyên Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cũng cho rằng, ASEAN cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự hợp tác trong nội khối để có sức mạnh để chống lại những tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Ông Shahriman Lockman, Nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (ISIS) Malaysia, nhận định thẳng thắn rằng, dù ASEAN đã đạt được nhiều sự đồng thuận cao nhưng hành động vẫn chưa quyết liệt. Trong các vấn đề quốc tế hiện nay, ASEAN không có nhiều đột phá so với 25 năm trước. ASEAN có nhiều cấu trúc trong khu vực nhưng chưa giải quyết được các vấn đề của khối. Ngoài ra, ASEAN chưa đứng ra làm vai trò trung gian cho các vấn đề quốc tế hay khu vực. Căng thẳng Ấn Độ-Pakistan là một ví dụ.
Theo ông Lockman, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2020 khi đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN 2020. Những thách thức chung của khối cũng là những thách thức mà Việt Nam gặp phải trên cương vị chủ tịch luân phiên. Để giải quyết những vấn đề đó, Việt Nam cần có lộ trình cụ thể để tăng cường khả năng phản ứng nhanh đối với các diễn biến bên ngoài.
Dù có nhiều thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định vai trò của mình không chỉ trong khối ASEAN, trong khu vực, mà cả trong nhiều vấn đề quốc tế khác.
Việt Nam có vai trò quan trọng và được kỳ vọng cao trong ASEAN
Nói về vai trò của Việt Nam trong khối ASEAN, Cựu Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho rằng, kể từ khi trở thành thành viên ASEAN, Việt Nam đã đóng vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm và tới nay đã là một thành viên chủ chốt. Thời gian gần đây, cộng đồng quốc tế đã chứng kiến sự chuyển đổi đáng kể trong sự phát triển của ASEAN. Việc xây dựng cộng đồng ASEAN, xây dựng vị thế của ASEAN trong khu vực và toàn cầu cũng luôn có sự đóng góp đáng kể và quan trọng của Việt Nam.Trong bối cảnh hiện nay, ASEAN sẽ còn nhiều thách thức về kinh tế, xã hội, đặc biệt là các vấn đề về an ninh, địa chính trị, nhưng ông Natalegawa tin tưởng ASEAN có thể cùng nhau giải quyết được những thách thức này và Việt Nam sẽ làm tốt vai trò lãnh đạo để ASEAN vượt qua những thách thức.
Theo ông, đối với Việt Nam, vấn đề không đơn thuần chỉ là đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, mà còn là vai trò lãnh đạo, bởi sự tin tưởng và kỳ vọng đối với Việt Nam cũng cao hơn so với một số nước thành viên khác trong khối. Việt Nam đã khuyến khích các nước thành viên trong khối thực hiện các thỏa thuận chung, điều đó đã góp phần làm tăng thêm sức mạnh của ASEAN.
Ông Natalegawa nói: “Việt Nam đã làm rất tốt trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2010. Tôi hoàn toàn tin tưởng các bạn cũng sẽ làm tốt vai trò của mình trong nhiệm kỳ Chủ tịch 2020, đặc biệt là nâng cao hơn nữa sự hợp tác giữa các thành viên trong khu vực. Việc tổ chức các diễn đàn, hội thảo để lấy ý kiến chuyên gia như thế này là sáng kiến kịp thời của chính phủ Việt Nam nhằm chuẩn bị cho năm Chủ tịch ASEAN 2020. Năm 2020 cũng sẽ là năm quan trọng của Việt Nam khi các bạn cũng đảm nhận vai trò thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.
“Đối với Việt Nam, nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN không chỉ ở khía cạnh chuyên môn, mà còn cả ở khâu tổ chức. Với những gì các bạn đang chuẩn bị, chúng tôi hy vọng, ASEAN và các nước thành viên sẽ được hưởng lợi từ nhiệm kỳ chủ tịch của Việt Nam”./.
Việt Nam được kỳ vọng sẽ phát huy vai trò nòng cốt và dẫn dắt trong Nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN 2020 , đóng góp một cách thực chất vào sự phát triển của Cộng đồng ASEAN.
Nguồn : VOV, Zing.vn