Ngày 12/10, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11 và Hưởng ứng Ngày Quốc tế Giảm nhẹ rủi ro thiên tai - Ngày ASEAN Quản lý thiên tai.
(ĐCSVN) - Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nhận thức được sự ưu việt và tiến bộ của hành động sớm trong quản lý thiên tai, ASEAN cùng các đối tác đối thoại đã xây dựng và thông qua Khung ASEAN về hành động sớm trong quản lý thiên tai để định hướng và triển khai các sáng kiến, hỗ trợ hành động sớm dựa vào dự báo - cảnh báo,…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan – Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai dự và chủ trì hội nghị. Dự lễ khai mạc có Phó Tổng Thư ký ASEAN Ekkaphab Phanthavong, 5 Bộ trưởng, 8 Thứ trưởng về lĩnh vực quản lý thiên tai của các quốc gia thành viên ASEAN và các nước đối tác phát triển khu vực (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc). Đông Timor tham dự với tư cách quan sát viên tại hội nghị.
Hội nghị còn có sự tham dự của hơn 150 đại biểu gồm cán bộ cơ quan phòng, chống thiên tai của các quốc gia ASEAN, đại diện các Bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và đại diện một số đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Trước phiên khai mạc Hội nghị AMMDM lần thứ 11, toàn thể đại biểu đã cùng hưởng ứng Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai - Ngày ASEAN Quản lý thiên tai (13/10/2023).
Tại diễn văn hưởng ứng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: “Ngày hôm nay, chúng ta đều hiểu rằng, thiên tai không chỉ là vấn đề của một quốc gia, một khu vực. Do đó, với 10 quốc gia ASEAN - và tương lai là 11 quốc gia với sự gia nhập của Đông Timor, việc đoàn kết thành một khối, chung tay chia sẻ trong hoạn nạn cũng như đồng tâm chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực và vật lực, cơ chế hỗ trợ lẫn nhau là vô cùng cần thiết. Câu nói “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau” thật đúng với mục tiêu của chúng ta trong việc tăng cường sức mạnh của ASEAN, xây dựng cộng đồng với khả năng chống chịu cao và phục hồi bền vững trước thiên tai và thảm họa. Đây cũng là tinh thần của các nhà lãnh đạo ASEAN trong Tuyên bố Một ASEAN, Một Ứng phó”.
Theo trình tự luân phiên các quốc gia ASEAN, Việt Nam thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM) năm 2023 với chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường khả năng chống chịu - ASEAN tiến tới mục tiêu lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai”.
Phát biểu về ý nghĩa chủ đề, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, hành động sớm về bản chất đây là các hoạt động trong giai đoạn phòng ngừa, ứng phó trước thiên tai mà các cơ quan, tổ chức làm công tác phòng, chống thiên tai đã và đang thực hiện.
Nhận thức được sự ưu việt và tiến bộ của hành động sớm trong quản lý thiên tai, ASEAN cùng các đối tác đối thoại đã xây dựng và thông qua Khung ASEAN về hành động sớm trong quản lý thiên tai để định hướng và triển khai các sáng kiến, hỗ trợ hành động sớm dựa vào dự báo - cảnh báo, đẩy nhanh nỗ lực của ASEAN trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN tự cường, giàu khả năng chống chịu, hướng tới mục tiêu trở thành cơ chế đi đầu trong quản lý thiên tai.
Tiếp theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ trưởng, Thứ trưởng các quốc gia ASEAN đã có bài phát biểu về chủ đề của năm 2023. Các bài phát biểu đều thể hiện tinh thần nhất trí đối với mục tiêu tăng cường hành động sớm trong khối ASEAN để giảm thiểu rủi ro thiên tai, qua đó nâng cao hiệu quả của hợp tác khu vực, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành cơ chế hợp tác lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực quản lý thiên tai. Đồng thời, ghi nhận và đánh giá cao nước chủ nhà Việt Nam với sáng kiến thúc đẩy xây dựng Tuyên bố Hạ Long về “Tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai”.
Tuyên bố khẳng định cam kết của Bộ trưởng về lĩnh vực quản lý thiên tai của các quốc gia ASEAN trong việc tăng cường thực hiện hành động sớm trong quản lý thiên tai khu vực ASEAN, đặc biệt là thực hiện ba trụ cột chính, bao gồm: Thông tin rủi ro, dự báo và hệ thống cảnh báo sớm; lập kế hoạch, vận hành và thực hiện; thúc đẩy nguồn tài chính được bố trí sẵn.
Bên cạnh việc chính thức thông qua Tuyên bố Hạ Long, Hội nghị AMMDM lần thứ 11 còn tập trung thảo luận các nội dung, bao gồm: Định hướng hoạt động trong thời gian tới cho Ban Quản trị Trung tâm Điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo thiên tai (Trung tâm AHA); quy tắc tài chính của Quỹ Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp; ghi nhận Tuyên bố các nhà lãnh đạo ASEAN về chống chịu bền vững được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 43 tại Indonesia; cập nhật về tình hình hỗ trợ nhân đạo ASEAN cho Myanmar./.
Nguồn tham khảo: Báo Điện Tử - Đảng Cộng Sản Việt Nam