Từ việc quan sát hoạt động lập kế hoạch nói chung tại các doanh nghiệp, các nhà phân tích đã phát hiện ra rằng quá trình lập kế hoạch cho hoạt động tiếp thị luôn chứa đựng khá nhiều sai lầm và nếu cứ lặp lại thì chúng sẽ gây ra những đổ vỡ vượt quá tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Dưới đây là những sai lầm hay gặp nhất.
1. Hiểu lầm mục tiêu
Mọi nỗ lực xây dựng kế hoạch tiếp thị sẽ uổng phí nếu kế hoạch không bám sát mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch tổng thể của doanh nghiệp. Tình hình sẽ tồi tệ hơn nếu kế hoạch tiếp thị chệch mục tiêu được phê chuẩn và đi vào khâu thực hiện cụ thể vì tiền bạc chắc chắn sẽ chảy đi một cách uổng phí. Bản thân kế hoạch chỉ là bước khởi đầu. Cần hết sức tinh tường xem xét và chỉnh sửa nhiều lần để nó đi đúng hướng, nhằm vào những mục tiêu thật cụ thể.
2. Đưa ra những dự báo quá viển vông
Xây dựng kế hoạch tiếp thị cần phải hết sức thận trọng và thực tế. Dự báo khả năng bán hàng cao chót vót cùng mức lợi nhuận cao bất thường chứng tỏ người lập kế hoạch không trang bị cho mình một kiến thức thực tế về công việc chi tiêu ngân sách tiếp thị.
3. Đưa ra quá nhiều ưu tiên
Kế hoạch tiếp thị chỉ nhấn mạnh từ ba đến bốn điều cần ưu tiên để đảm bảo tính tập trung cao và hiệu quả. Nếu kế hoạch có quá nhiều điều cần ưu tiên thì rõ ràng là một kế hoạch tiếp thị tồi.
4. Chú trọng đến những yếu tố quan trọng mà bỏ quên những chi tiết thứ yếu
Kế hoạch tiếp thị là một chuỗi module kết nối nhau theo dạng mắt xích. Thường thì người ta tập trung vào những phần nào cuốn hút nhất nên bỏ quên những phần kém cuốn hút. Kết quả là những mắt xích “kém nổi bật” không phát huy được vai trò cần thiết của chúng và chuỗi module hoạt động kém hiệu quả.
5. Không phổ biến kỹ kế hoạch cho đội ngũ nhân viên
Một số nhà quản trị cho rằng bản kế hoạch tiếp thị là tài liệu rất quan trọng, cần được bảo mật và không tiết lộ ngay cả cho các nhân viên dưới quyền nếu thấy chưa cần thiết. Đó là sai lầm nguy hiểm vì nếu các nhân viên triển khai kế hoạch mà không hiểu rõ mục tiêu cần đạt được là gì thì nhiều sai lầm sẽ hiện ra, tốn công khắc phục và còn làm chậm tiến độ thực hiện kế hoạch.
6. Chăm chút cho các chi tiết chỉ trong khoảng thời gian đầu tiên
Chi tiết tại đây được hiểu là các con số tài chính, cột mốc, trách nhiệm phải làm và thời điểm hạn chót. Tiếp thị bao gồm nhiều sự kiện và con số và sẽ là một thiếu sót lớn trong việc lập kế hoạch tiếp thị nếu không thể hiện rõ các chi tiết ấy. Càng sai sót hơn nếu công việc chăm chút cho các chi tiết chỉ kéo dài trong đôi ba tháng đầu tiên.
7. Nghĩ rằng hoàn tất kế hoạch là xong
Khi đã hoàn thành kế hoạch tiếp thị có nghĩa là doanh nghiệp không… còn kinh doanh gì nữa! Trong kinh doanh và tiếp thị, kế hoạch phải luôn luôn tiếp diễn và thay đổi tùy theo biến động của thị trường tiêu dùng.
Nguồn: doanhnhanplus.vn